Bệnh Viện U Ám



Truyện ma - Bệnh viện u ám

Tác giả - Bích Hiền

Hay có ai đó đang trốn dưới giường của mình?

Nếu thật là như vậy, tôi có nên kiểm tra hay không? Nghĩ đến đây, tôi sởn hết cả da gà, chân tay lạnh toát.

***

Cốc ... cốc ... cốc ...

Như biết chắc chắn hành động gõ cửa chỉ mang tính ra hiệu có người sắp vào, cánh cửa phòng bệnh số 2 ngay lập tức mở ra. Cô y tá với dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt hết sức xinh đẹp bước đến giường của tôi. Lướt qua tôi, rồi chăm chú đọc bệnh án, cô nói:

- Em tên Duy phải không? Viêm răng đến phát sốt, để lâu ngày không đi khám nên chọc vào đến tủy. Phải nằm trong bệnh viện một tuần đấy em ạ, ngày nào cũng tiêm 2 mũi sáng chiều, truyền một chai dịch và uống thuốc sau 2 bữa chiều tối nhé.

Dứt lời, cô đính tờ bệnh án của tôi đầu giường. Nằm ôm miệng nhăn nhó, tôi lồm cồm bò dậy xem mặt mũi tờ giấy như thế nào. Cột ngày tháng, cột nhiệm vụ, tiêm hay truyền bữa nào là tích vào ô trống bên phải bữa đấy, sắp xếp trật tự logic và thảnh thơi. Thôi xong, phen này không trốn tiêm được rồi!

Thở dài ngao ngán, bỗng chốc tôi phát hiện ra một bác gái ngồi ở giường bên cạnh đang nhìn mình chăm chú. Thấy tôi đáp trả ánh mắt, bác cất tiếng:

- Cháu mới vào viện sáng sớm này à? Bác thì ở đây được hai tuần rồi, thằng con trai bác gặp tai nạn xe máy, rụng mất mấy cái răng, khâu cả trăm mũi trên mặt, nằm ở khoa Răng hàm mặt này, may là vắng còn được nằm cái giường tử tế, chứ sang khoa khác, chung đụng với các bệnh nhân nữa chắc mặt nó không bao giờ lành lặn mà về mất.

Nhìn cháu còn ngồi dậy được thế này, chắc cháu cũng bị nhẹ thôi đúng không, chắc không phải nằm viện lâu đâu nhỉ.

Liếc sang chàng trai đằng sau bác, anh ta đang nằm im chờ truyền hết chai nước, trên mặt chi chít những dải bông băng che đi mũi khâu, nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn nhìn ra những đường chỉ hằn lên trên vết thương bầm tím. Tôi rùng mình. Đi trên đường va chạm xây xát đã đau, đến bệnh viện khâu chằng chịt như vá áo thế này, chắc anh ta từ nay về sau cạch ra đường mất!

***

Cả buổi sáng cho đến trưa, tôi cứ nằm trên giường nhìn thẳng lên trần nhà, không dám ngọ nguậy vì sợ chạm vào chỗ sưng to gần bằng quả ổi trên má, lòng sốt ruột đợi mẹ mang sách vào đọc mà lâu quá.

Đến trưa, một cô y tá khác mang cốc cháo vào, dặn là phải ăn ngay để còn tiêm thuốc. Cô y tá này khác hẳn cô ban sáng, béo ục ịch lại còn nhăn nhó khó chịu, khiến tôi thất vọng hoàn toàn vì nghĩ rằng nếu bác sỹ y tá trong bệnh viện này xinh đẹp hết chắc mình sẽ ngoan ngoãn nằm trong này điều trị. Ai ngờ ... Đem nỗi lòng của mình vào bữa trưa, tôi ngậm ngùi húp mấy thìa cháo rồi bỏ một nửa.

Khi cô y tá quay lại, thấy bệnh nhân "chê" ăn, bèn nặng tay tiêm cho tôi một mũi đầy đau đớn. Tôi kêu oai oái, khiến bác gái sáng nay nói chuyện cùng – giờ đang chợp mắt ở chiếc ghế tưa bên cạnh – cũng phải mở mắt nhổm dậy xem chuyện gì. Thấy tôi nước mắt nước mũi giàn giụa, như hiểu vấn đề, đợi cô y tá khép cửa phòng đi ra, bà mới ngồi xuống đầu giường tôi nói nhỏ:

- Có phải cháu bị cô y tá tiêm thuốc đau lắm phải không? Ở bệnh viện này kỳ quái lắm, cả y tá lẫn bác sỹ cứ lạnh lùng, dữ dằn sao ấy. Con trai bác cũng thế đấy, hôm mới vào khâu vết thương, nước mắt chảy như mưa, thế mà có hai cô y tá ngồi cạnh chẳng ai lau nước mắt cho, cứ thế để nước mắt chảy vào vết thương, đã đau giờ còn thêm xót, làm cả bác cả thằng con cả đêm đấy không ngủ vì đau quá. Hỏi ra mới biết, trong bệnh viện vừa có người mất, nên tính tình của ai cũng lỳ lợm ra, không khí càng nặng nề u ám.

Tôi rùng mình. Hai mươi mấy tuổi, lần đầu tiên phải nhập viện điều trị, lại chọn đúng cái bệnh viện bỗng dưng có tin dữ này. Đang bần thần, bác gái lại nói tiếp:

- Nghe đâu có ai treo cổ vào ban đêm, đến khi sáng tỉnh dậy các bác sỹ, y tá khác nhìn thấy hét toáng lên ầm ỹ, làm bệnh nhân trong phòng cũng bị bật dậy theo lao ra khỏi giường, chạy ra hành lang thì cùng nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng. Người ta vội vàng đưa cô ta xuống thì ôi thôi, người ngợm cứng đơ ra rồi.

Bệnh viện này chỉ có khoa răng hàm mặt, làm gì có bệnh nhân nào đến nỗi phải chết đâu, thế nên ai cũng lạ lẫm, hoảng sợ. Bệnh viện cả ngày hôm đó đốt hương, hi vọng cho linh hồn của cô ta được siêu thoát.

- Thế chuyện này xảy ra lâu chưa hả bác?

- Nghe đâu cũng được hơn một tháng rồi đấy, mà hôm nay là tròn 49 ngày đây này. Chắc vì thế mà hôm nay bác sỹ y tá nào cũng trông như mất hồn.

Tôi nghe câu chuyện mà cứ nổi hết da gà. Bình thường khỏe mạnh, cứ nghĩ rằng ngoài xã hội phức tạp khó lường, ai ngờ vào đến bệnh viện – chỗ người ta nghỉ ngơi chưa bệnh – cũng lắm điều đáng sợ đến vậy. Tôi hỏi bác có biết lý do tại sao cô ta tự tử không, bác bảo không biết, chỉ nghe người nhà bệnh nhân giường bên cạnh kể lại thôi, nhưng hôm kia đã được xuất viện rồi.

Là con trai nhưng thần kinh không tốt lắm, tôi xin phép bác nằm nghỉ, nhưng tâm trí nào mà yên ổn giờ này để ngủ. Cứ vậy, cả trưa nằm thao láo, đầu óc cứ quay cuồng chuyện bác gái kể, đã đau răng nay lại còn mất ngủ, càng đau đầu hơn.

Đến chiều, mẹ vào mang cho tôi bát canh xương hầm và đống truyện tranh và báo mẹ mới mua, tôi cảm ơn mẹ rối rít. Canh xương là món tôi thích nhất, nhưng vì răng đau mà húp cũng chẳng còn thấy ngon lành gì.

Mẹ ngồi một lúc rồi cũng phải về nấu cơm cho gia đình, dặn tôi cứ nằm yên trong bệnh viện điều trị, mẹ đã xin nghỉ học cho rồi. Tôi định nói với mẹ chuyện vừa nghe ban sáng, nhưng thấy mẹ cứ vất vả chạy đi chạy lại, lo mẹ lại nghĩ ngợi đâu đâu nên thôi. Thôi thì có báo với truyện mẹ mang vào, nghiền ngẫm chắc cũng đỡ buồn đỡ sợ hơn.

***

Báo Bóng đá mẹ mang vào nhắc tôi nhớ đêm nay có loạt trận đấu vòng bảng cup C1 khiến tôi sung sướng mừng thầm. Trong bệnh viện đã ít người nói chuyện, không có Internet, may là vẫn còn TV để xem, nhưng buổi sáng chiều các bệnh nhân khác cứ đòi bật xem phim Hàn Quốc với game show truyền hình, khiến tôi ngao ngán dồn hết tập trung vào truyện, thì đêm nay, khi mọi người đã đi ngủ rồi, mình tôi sẽ chiếm cả cái TV để thỏa mãn cơn thèm khát thông tin đại chúng.

Hí hửng trong bụng, tôi ăn ngon lành cốc cháo của bữa tối, trong lúc cắn răng đợi tiêm hết mũi tiêm cuối cùng trong ngày, ánh mắt lại âm thầm quan sát. Lại là một cô y tá khác, cô này tuy không béo nhưng mặt cứ lạnh lùng xám ngoét, trông yếu đuối hơn cả bệnh nhân. Cái bệnh viện này ma ám thật rồi!

Tôi thoi thóp trong ngao ngán đợi màn đêm buông xuống, cả thành phố lên đèn. Nhìn qua cửa sổ, bên ngoài cổng bệnh viện, những bóng đèn của ô tô xe máy hắt lên những vệt sáng vun vút, tạo cảm giác ồn ào tất bật. Những người nhà bệnh nhân từ nãy đã bị đuổi về hết, xung quanh tôi giờ này chỉ là những người mặc quần áo giống nhau, người thì nằm im mắt mở to nhìn lên trần nhà, người thì lặng lẽ húp cháo để có sức uống thuốc. Bỗng từ đâu ...

Một bóng áo trắng lướt nhanh qua cửa sổ ...

Tôi quay ngoắt lại, tay ôm bên má đang sưng vù của mình, tay giữ chặt khung cửa sổ, nhìn thật nhanh ra bên ngoài. Lạnh toát người, mà rõ ràng tất cả các cửa sổ trong phòng đều đang đóng kín.

Bóng áo trắng vẫn đang đi rất nhanh, thậm chí là như bay vậy. Tôi dùi dụi mắt, tưởng đau quá hóa hoang tưởng. Tức thì, áo trắng đã biến mất trong khu nhà nghỉ dưỡng của cán bộ. Không lẽ, cái bệnh viện kỳ dị này lại có ma sống thật??!

Uỳnh...

Lần thứ hai, tim tôi như bắn ra ngoài. Âm thanh ầm ỹ kia phát ra từ ngay đằng sau lưng, khiến tôi nghĩ ngay cái số mình đến ngày tận thế rồi. Quay người lại, mới thấy một chị ở giường đối diện, bụng to mang bầu, khắp phần bên mắt với má phải bị dán chi chít những gạc băng trắng, phía môi dưới sưng to một cục trông như yêu quái, nhìn tôi đầy ái ngại, khó khăn mở miệng giải thích:

- Xin ... lỗ ... eo, chị ... đựn ... mợ ... cửa ... ra ... chơ ... mác, ai ... ngờ ... giớ ... mặng ... quá ...

Tôi làm vẻ mặt thông cảm, muốn nói không sao nhưng vì trong lòng trống ngực vẫn đánh dồn dập, nên không hé miệng được nửa lời. Vậy rốt cuộc cái bóng áo trắng kia là gì vậy nhỉ, có phải là ... hồn ma của cô y tá tự tử ở đây?

***

Theo kế hoạch, tôi sẽ độc tài sở hữu chiếc TV trong đêm nay, thế mà quái nào, nỗi sợ hãi ập đến khiến mắt tôi nặng trĩu. Tôi định đắp chăn đọc nốt tờ báo, ai ngờ giấc ngủ đến tìm từ lúc nào. Trong giấc mơ, tôi thấy cô y tá xinh đẹp ban sáng đến hỏi thăm sức khỏe của mình, thì bỗng chốc từ đâu, bóng áo trắng xuất hiện làm tôi rú lên kinh hoàng, ngoảnh mặt lại đã thấy cô y tá kia biến thành mụ phù thủy già nua đầy mụn, cắm phầm phập những mũi tiêm vào tay tôi.

Tôi hoảng hốt choàng tỉnh, nhưng không tài nào kéo được mí mắt lên, thậm chí, chân tay tôi còn không động đậy được ...

Hình như, tôi bị ai giữ tay giữ chân, không nhấc lên được dù chỉ là một centimet ...

Cả người tôi nặng trình trịch, tôi cố vặn mình sang bên trái, thì xui xẻo thay, lại đúng bên má đang sưng vù, nên toàn thân như bị một luồng điện giật khắp người, mồ hôi tôi toát ra như tắm ...

Thế rồi, có hai bàn tay nào đó, vạm vỡ và đầy giận dữ, nắm lấy cổ tôi, bóp thật mạnh...

Tôi hoảng loạn, cố gắng vùng vẫy, miệng cố thét lên kêu cứu nhưng cái miệng sưng chết tiệt khiến cho họng tôi không thể phát ra tiếng ...

Càng cố gắng giãy giụa bao nhiêu, bàn tay kia càng bóp chặt bấy nhiêu ... Thôi xong, phen này tôi chết chắc rồi ...

Uỳnh ...

Tiếng cửa sổ lại đập vào nhau nghe chói tay. Tôi choàng tỉnh dậy, khắp người mồ hôi tuôn chảy như suối. Nhìn tay chân mình vẫn bình thường, đưa tay lên cổ thấy mình vẫn đang ... thở, tôi vừa nhẹ nhõm vừa khiếp sợ những gì vừa diễn ra.

Đó không hẳn là một giấc mơ, làm sao tôi có thể lý trí đến mức nhận thức được mọi thứ đến vậy trong cơn mơ?

Vậy không lẽ là tôi bị ai động vào người thật? Vô lý, tay chân cổ họng vẫn bình thường đấy thôi ...

Tôi nhìn quanh phòng, tất cả mọi người đều đã ngủ hết, cả không gian bao trùm một màu đen đặc quánh và im lặng đến ghê rợn, chỉ còn bóng đèn đường bên ngoài rọi vào yếu ớt, càng làm cho không khí thêm phần nhức nhối ảo mờ.

Tôi lục tìm đồng hồ, đã là 2 giờ sáng. Lại cố nằm xuống, tôi nhắm mắt lại cố gắng giải thích tất cả mọi chuyện vừa xảy ra. Rõ ràng đó không phải là một giấc mơ, vì cảm giác có bàn tay siết chặt cổ mình đến vậy, rồi nỗi đau điếng khi chạm vào phần má sưng, tất cả đều rất thật, đều rất đáng sợ, làm sao giấc mơ có thể dựng nên những cảm xúc mạnh đến vậy? Nhưng chẳng lẽ thực sự đã có người trong phòng này chạm vào tôi, và cố ý giết tôi?

Muốn tôi phải chết?

Nghĩ đến đây, tôi lại lạnh hết cả sống lưng. He hé mở mắt nhìn xung quanh, cả căn phòng vẫn im lìm đến vậy, có tiếng người ngáy khe khẽ, rõ ràng là tất cả đều đã ngủ rất say. Ai có thể có dã tâm muốn giết một thằng quá đỗi bình thường như tôi, và làm gì có ai đủ nhanh đến mức khi tôi mở mắt ra đã chạy ngay về giường của mình?

Bỗng, trong đầu tôi lóe lên một giải thiết, không khỏi khiến tim tôi đập thình thịch?

...

Hay có ai đó đang trốn dưới giường của mình?

Nếu thật là như vậy, tôi có nên kiểm tra hay không? Nghĩ đến đây, tôi sởn hết cả da gà, chân tay lạnh toát.

Nhưng nếu không kiểm tra, nhỡ chẳng may tôi lại thiếp đi, ai đó chẳng phải lại có cơ hội giết tôi sao?

Không thể để chuyện đó xảy ra được, tôi còn quá trẻ, thậm chí còn chưa tốt nghiệp Đại học ...

Nghĩ đến đây, tôi bèn đưa ra một quyết định liều lĩnh nhất trong cuộc đời mình.

Tôi sẽ thực sự đi tìm dưới giường mình có gì ...

Quờ tay tìm điện thoại đầu giường, trong đầu tôi hiện ra vô vàn suy nghĩ kinh dị. Nếu thực sự có ai đó đang trốn, tôi sẽ làm gì?Hét toáng lên?Tìm một cái gì đó đập vào đầu nó?

Hay có khi, tìm thấy một ai đó, tôi lại chết sững như trời trồng??

Tim tôi như muốn ngay lập tức muốn vỡ ra ngoài. Càng nghĩ càng không thể biết được điều gì sẽ xảy ra chỉ trong 30 giây nữa. Nhưng tôi đã quyết, thà chết nhưng biết lý do tại sao mình chết, còn hơn xuống dưới âm phủ rồi vẫn lơ ngơ không hiểu điều gì đã xảy ra.

Tôi tay cầm điện thoại, tay bám vào thành giường, nhẹ nhàng xoay người, từ từ cúi đầu xuống. Lấy hết can đảm, tôi nhấn nút điện thoại, màn hình sáng quắc ...

Tim tôi lần này vỡ toang thật rồi!

Ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại khiến tôi nhận ra, không có ai trốn hay núp dưới chân giường của mình cả, nhưng có một thứ khác.

Là một chiếc áo blouse trắng rơi ngay dưới chân giường!

Dù vẫn may mắn chán khi không phải là một ai đó trốn ở đây, nhưng cảnh tượng này cũng đủ tôi đau tim phát khiếp!

Tôi rọi điện thoại khắp xuống phía dưới các giường bệnh nhân khác, không có gì, cũng chẳng có ai cả. Cả căn phòng vẫn im lìm như không có điều gì xảy ra, tiếng ngáy vẫn kêu khe khẽ như hòa nhạc. Mọi người đều chìm vào một giấc ngủ say, chẳng một ai hay biết cái thằng bệnh nhân mới nhập viện này chuẩn bị đột tử vì hoảng sợ!

Tôi chẳng dám sờ hay nhìn thêm một lần nữa vào cái áo đấy, vội vàng xoay lại người, trở về tư thế nằm thẳng cẳng trên giường, lần này mắt mở thao láo, không dám nhắm lại. Tất cả những chuyện này là sao? Sao lại có nhiều điều xảy ra với tôi chỉ trong một buổi tối vậy?

Nào là nhìn thấy bóng áo trắng như hồn ma lởn vởn ngoài cửa sổ.

Nào là bị ai bóp cổ trong khi chân tay không tài nào cử động được, cũng may có tiếng ồn của khung cửa sổ giúp tôi choàng tình.

Rồi bây giờ là một cái áo blouse trắng vứt ngay dưới giường mình?

Có phải, tất cả những điều vừa xảy ra, đều là do cô y tá đã tự tử kia gây ra? Là cô ta đi lại trong sân bệnh viện? Cô ta bóp cổ tôi? Áo của cô ta?

Buổi sáng, khi mặt trời vừa mới ló rạng, ánh nắng xuyên qua những đường chớp cửa sổ đánh thức cả phòng bệnh. Tôi tỉnh dậy, không ngờ đêm qua rốt cuộc mình vẫn chợp mắt được một lúc. Vội vàng nhìn quanh, đã thấy bác gái nói chuyện với tôi hôm qua đã ở ngồi bên cạnh giường, đang lau mặt mũi cho cậu con trai. Nhìn thấy tôi đang nhìn bác, bác tươi cười nói:

- Cháu dậy rồi đấy à? Miệng thì bớt sưng rồi mà sao mặt mũi xanh thế? Không khí bệnh viện khó chịu lắm đúng không? Thằng con bác ở được hai tuần mà người ngợm sụt đi mấy cân, xót đứt cả ruột.

Thấy bác gái hay hỏi han, quan tâm đến mình, tôi tỏ ra vô cùng biết ơn, trong lòng chỉ mong ngay lập tức được kể chuyện rùng rợn đêm qua cho bác. Như đọc thấy ánh mắt tôi có tâm sự, bác nghiêm mặt lại, ân cần hỏi han:

- Có chuyện gì thế cháu? Đêm qua cháu không ngủ được à?

- Bác, có chuyện này cháu muốn kể với bác ... Cháu ...

- Cháu làm sao, cứ kể cho bác nghe.

- Hình như đêm qua cháu gặp ma. Hình như có người bóp cổ cháu, muốn cháu chết bác ạ.

- Hả, cái gì cơ, thằng này lần đầu nằm viện nên sợ quá đâm ra lú lẫn hả cháu? – Bác ngạc nhiên rồi bỗng dưng cười lớn – Hay là cháu bị bóng đè rồi, hồi bé thằng con nhà bác hay nghịch ngợm rồi tối về cũng bị y như thế đấy, cứ tưởng tượng mình bị ai bóp cổ mà không chống cự được. Cái này nhiều người gặp rồi mà, can tội ban ngày hay nghĩ ngợi sợ sệt cho lắm vào!

Nghe bác nói mà tôi ngớ người. Hay có thể là vì tôi bị bóng đè thật? Lần đầu nhập viện, lại bị nghe câu chuyện của cô y tá tự tử, rồi thấy bóng ma thoăn thoắt ngoài cửa sổ, phải chăng tôi thần hồn nát thần tính rồi? Nhưng còn cái áo blouse trắng thì sao? Tôi ngó xuống giường, nó đã biến mất.

- Cháu còn nhìn thấy một cái áo trắng ở dưới giường cháu cơ bác à, nhưng giờ thì đã không thấy đâu rồi bác ạ.

- Ôi dào, chắc là mấy cái áo các cô y tá để quên thôi mà. Chiều qua lúc cháu ngáy khò khò, bao nhiêu bác sỹ y tá vào đây hỏi han xem bệnh tình cả phòng như thế nào. Thấy cháu vừa mới ngủ được, bác bảo để yên, thằng bé này vừa mới chợp được mắt nên họ không lay cháu dậy hỏi thăm. Chắc là đông quá có người để quên áo thôi.

Tôi nghe bác nói mà trong lòng thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra là vậy, nếu xét việc bị bóng đè là một loại bệnh dân gian, có thể hiểu được thì cái vụ áo blouse trắng kia là sự việc hiển nhiên rồi, không phải có ma ám gì ở đây cả. Phải chăng vì ngay khi nhập viện đã nghe thấy chuyện có người tự tử mà tôi đã áp đặt nó vào mọi điều khó hiểu đã xảy ra không? Tôi thần hồn nát thần tính quá rồi. Nhưng còn bóng áo trắng, cái bóng đó thì sao? Chắc chắn vụ này thì bác gái không thể giải thích được, bác lúc đó đã về rồi còn đâu!

Mẹ gọi điện bảo hôm nay không thể vào thăm tôi được, cả ngày hết làm lụng vất vả, chăm lo cơm nước cho cả nhà, đến chiều tối còn phải dắt em gái tôi xin nhập học thêm. Mẹ dặn tôi ở trong đó phải nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nghe lời bác sỹ y tá, ăn uống đầy đủ thì mới chóng khỏe được. Gớm, mẹ nói cứ như tôi vẫn là con nít không bằng! Tôi dặn mẹ không cần phải báo cho bạn bè rằng tôi đang nhập viện.

Tôi chơi không thân lắm với bạn học, trường hiện đang theo học là trường dân lập, toàn những đứa giàu có, có đứa còn chảnh chọe khó chịu, khiến tôi không tài nào chơi nổi. Còn bọn bạn cũ đã tha hương tứ xứ, đứa đã đi làm, đứa vào Nam học, nhưng nhìn chung đứa nào cũng vất vả lăn lộn để sống. Phố nhà tôi nghèo, được gia đình tạo điều kiện học hành tử tế mà không phải nhúng tay vào việc kiếm tiền, vậy mà giờ còn ốm yếu bệnh tật tốn không biết bao nhiêu viện phí, tôi càng thương càng xót cho bố mẹ hơn bao giờ hết.

Nghe lời mẹ dặn, tôi ngoan ngoãn ăn đủ các bữa, tiêm thuốc tử tế, nằm dài cổ chờ truyền cho hết một chai nước, cả ngày chỉ biết nằm quẩn quanh trên giường với đủ mọi tư thế, đọc nát cả số sách báo mẹ mang vào. Tôi vẫn không quên ngắm các cô y tá ra ra vào vào phòng bệnh, nhưng mãi mà chẳng thấy cái cô xinh đẹp lần đầu tiên đến đọc bệnh án cho tôi đâu cả. Thật thất vọng. Trong bệnh viện mà có người như thế hỏi thăm bệnh nhân, chẳng phải là tinh thần người bệnh nào cũng rất vui vẻ phơi phới, ngoan ngoãn nghe lời cán bộ hay sao?

Thế rồi cũng đến đêm, và đêm nay vẫn có bóng đá. Tôi sực nhớ đêm qua mình đã bỏ lỡ, hôm nay tôi quyết tâm phục thù. Nhưng đến lúc 1h đêm, khi các bệnh nhân khác đã nằm yên một chỗ, đắp chăn ngủ ngon lành, tôi rón rén chạy ra nhấn nút bật TV, thì ôi thôi, bệnh viện đã rút phích hay giật cầu dao ổ điện cắm TV ra rồi.

Vẫn không muốn phải bỏ lỡ những trận đấu đêm nay, tôi quyết tâm ra khỏi phòng tìm bằng được chỗ xem bóng. Bác sỹ thì cũng là người, chẳng lẽ không ai có đam mê với môn thể thao vua hay sao?

Nhẹ nhàng nhón chân mở cửa phòng, tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn khi hành lang dài hun hút chỉ có vài bóng đèn bật sáng lờ mờ. Bệnh viện gì mà tiết kiệm điện tối đa, bệnh nhân nào mà đi tiểu nửa đêm chắc cũng cố nhịn đến sáng mất, tôi thầm nghĩ. Tôi không xỏ dép, đi chân trần cho đỡ gây tiếng động, đang bước được vài bước thì trước mặt, cảnh tượng cũ lại hiện ra ...

Một bóng áo trắng lướt rất nhanh ở phía cuối hành lang, ẩn hiện trong ánh đèn u ám ...

Hình như bóng ma ấy,

Cũng nhìn thấy tôi??!

Bóng ma dừng lại, nhìn tôi một, hai giây. Trong khoảnh khắc đó, chắc chắn là tim tôi đã ngừng đập, đến cả hơi thở của mình mà tôi còn không nhận ra nổi. Bàn chân trần lạnh toát trên nền hành lang, tôi đứng phỗng không hiểu phen này mình sẽ phải giải thích như thế nào trong câu chuyện đêm nay.

Ngay sau đó, bóng ma lại tiếp tục lướt đi tiếp, bỏ mặc tôi vẫn đứng đó trăn trối. Phải đến một lúc sau, tôi mới định thần lại, vội vàng tháo chạy về phòng.

Vừa mới sờ tay vào nắm cửa, cửa đã tức thì mở khiến tôi đổ nhào về trước, má đập vào sàn đau điếng. Lồm cồm bỏ dậy, nhìn thấy một bóng người cao lớn bệ vệ, mặt chằng chịt những vết thương, mặt biến dạng toàn tập, mắt sưng húp đến nỗi trông chỉ như một viền kẻ, tóc râu ria lởm chởm, trông khiếp sợ hơn cả tử thần, tôi bụm chặt miệng ngăn không cho mình hét lên.

Nhìn thấy gương mặt tôi khiếp đảm, bóng người mở miệng giận dữ:

- Đi đứng cho cẩn thận vào chứ, đi vệ sinh mà cũng không yên.

Nói rồi anh ta khó khăn bước đi, để lại tôi vẫn chết đứng như vậy tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc bước về giường, thấy giường bên cạnh trống, mới phát hiện ra người mà tôi vừa đụng độ là anh chàng có bà mẹ hay nói chuyện với tôi. Bình thường anh ta hay nằm im, chẳng lần nào tôi dám nhìn rõ mặt, nên trong đêm nhìn thấy gương mặt chi chít vết thương của y, không khiến tôi khỏi ghê sợ.

Tôi nằm lên giường, giả vờ ngủ, một lúc sau nghe thấy tiếng mở cửa và bước chân, đoán là anh ta đã trở vào. Tôi định mở miệng hỏi xem anh ta có thấy bóng áo trắng nào ở ngoài đấy không, nhưng nhớ lại vẻ mặt trông như ác quỷ cộng với giọng nói hằn học vừa nãy, tôi lại co rúm người, nghĩ mình im lặng cho lành.

Vậy là, không bóng bánh, không giải trí buổi đêm, đã thế còn lần thứ hai gặp ma. Đêm nay, nếu còn bị bóng đè lần nữa, có lẽ bằng mọi cách tôi sẽ xin mẹ xuất viện ngay lập tức, dù là gọi điện thoại trong đêm.

***

Sáng hôm sau, tôi mới biết mình ngủ say đến mức cô y tá lay dậy mấy lần ăn cháo mới thèm tỉnh dậy. Ở giường bên cạnh, cái môi phồng rộp của chị đang mang thai vẫn không có gì biến chuyển, nhưng xem ra bà bầu này không hề hấn gì, ăn cháo mà húp sồn sột không chút đau đớn.

Bên tay phải, bác gái đã đút cháo cho anh con trai, tay cầm thìa tay cầm giấy ăn, cứ hết một thìa lại lau quanh miệng cho con, trông thật tảo tần. Còn tôi, nhìn thấy cốc cháo chẳng khác gì hai ngày qua mà ngán ngẩm, định bụng nhịn hẳn còn ngon hơn. Tuy nhiên, cứ tưởng tượng ra mũi tiêm đau điếng của các cô y tá lại thấy bản thân nếu không ăn chắc sẽ chết ngất ngay trên giường mất.

Nghĩ vậy, mở ba lô vật dụng ra, tôi lục tìm cái ví, quyết định đi mua bánh trái hay hộp sữa ăn cho có sức mà chống cự với bệnh tật.

Đi đến hành lang, tôi cúi thấp đầu để các cô y tá ở bàn trực không nhìn thấy mình (bệnh nhân mà ra khỏi khu chữa bệnh là bị hỏi han ghê lắm). Ai dè mấy bà cô này cũng đang mải tán chuyện, chẳng để ý ai với ai. Đang định lủi nhanh, bỗng dưng có một cô cất giọng nói làm tôi đứng hình:

- Em mới vào làm nên không biết đó thôi, bệnh viện mình vừa có một cô y tá treo cổ tự tử, nghe đâu trông thảm thương lắm, nên chỗ mình bây giờ mới u ám như thế. Chứ như hồi xưa, mọi người vui vẻ hòa nhã hơn nhiều.

- À thế hả chị? Nhưng sao cô y tá kia lại chết ạ? Mà có chắc là tự tử không chị, nhỡ có người hãm hại thì sao, em thấy ...

- Suỵt, be bé cái miệng thôi. Vụ đấy các bác sỹ bảo thế thì biết thế, chứ ai mà chả đàm tiếu này nọ. Mà thực ra bệnh viện này từ trước đó đã xảy ra chuyện, có một vụ phá két sắt, nghe đâu lấy cắp của bệnh viện gần mấy trăm triệu đồng. Em còn trẻ còn đỡ, như chị, chả biết bệnh viện có định tống cổ để cắt giảm biên chế không đây ...

Reng ... reng ... reng ...

- Kìa, đến giờ đi tiêm rồi kìa, em đi đi kẻo các bác sỹ lại mắng ầm lên đấy!

Nghe đến vậy, tôi tháo chạy ra khỏi cổng. Không ngờ cái bệnh viện bé tí này mà cũng lắm chuyện gớm, càng nghĩ càng đau đầu. Giờ mà tôi còn kể với các cô y tá này là tôi còn nhìn thấy ma trong bệnh viện, chắc cái chỗ này phải lập đàn đốt vía mất!

Đến chiều, các cô y tá lại vào một lượt tiêm thuốc cho từng người. Lần này, lại là cô ục ịch đến tiêm cho tôi, ánh mắt sắc lẻm lướt qua cốc cháo im lìm mà tôi không đụng đến dù chỉ một thìa. Lại tiếp tục cắm một mũi tiêm đầy đau đớn, lần này không chịu được, tôi hét lên, đấm bàn tay còn lại vào thành giường thì ôi thôi, quờ đúng vào chai sữa đang uống dở, sữa văng tung tóe khắp ga trải giường.

Cô y tá lại nhăn nhó than vãn, còn bắt tôi phải tự tháo ga lau dọn, còn cô ta sẽ đi lấy chiếc mới. Tôi vùng vằng lật cả tấm ga cả chiếu lót phía dưới, thì tình cờ nhìn thấy một tờ giấy bìa nhỏ bay ra.

***

Một dãy số dài ngoằng, trông cứ như mật mã gì vậy. Đang đứng như phỗng, cô y tá lại cất giọng nạt nộ:

- Còn đứng đấy làm gì, sao chưa gấp lại gọn gàng đi?

- Tại cháu nhìn thấy tờ giấy này ạ.

Tức thì, tất cả mọi người trong phòng bệnh quay lại nhìn tôi đầy thắc mắc. Ngay cả cái chị mang bầu, đang ú ớ buôn chuyện điện thoại với bạn cũng im bặt lại, nghe ngóng xem tôi đang cầm giấy gì. Cô y tá vội vàng giằng tờ giấy ra khỏi tay tôi, miệng vẫn không quên nói:

- Lằng nhằng, giấy tờ vớ vẩn mà cũng quan tâm. Ga mới đây, xếp lại đi!

Khi cô y tá đóng cửa bỏ đi rồi, tôi vẫn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra. Mọi người xung quanh, người vẫn nhìn tôi chằm chằm, người lại tiếp tục công việc của mình. Chỉ là một tờ giấy đầy số, có cái gì mà ai cũng tỏ ra quan tâm thế nhỉ? Đến ngay cả cô y tá, miệng nói giấy vớ vẩn mà chẳng giằng ngay từ trong tay tôi đấy thôi.

Chị mang bầu ngay sau đó cũng vội chào tạm biệt người đang nói chuyện trong điện thoại, quay ra hỏi tôi:

- Em ... ơ, giấy ... ghì ... ấy ... em?

- Em cũng không biết ạ, giấy chỉ toàn số.

Tôi đáp xong, chị ta bỗng nghệt mặt ra, chẳng nói năng gì. Tôi cũng ngoan ngoãn chỉnh đốn lại cái giường của mình, lòng lo nghĩ vu vơ. Ở đây đã ba ngày, răng miệng cũng bớt đau, chắc tôi sẽ cố xin mẹ ở thêm một hai ngày nữa thôi rồi về, không thể ở trong bệnh viện lâu hơn được. Nếu có bị bóng đè, thà bóng đè ở nhà còn hơn nằm bất động trong bầu không khí rùng rợn ở đây!

Đêm nay, hết C1, cộng với hai đêm liền sợ kinh hồn bạt vía, tôi quyết định không lục đục nữa mà quyết tâm đi ngủ sớm, mong cho giấc ngủ có thể làm ngắn lại màn đêm chết chóc trong bệnh viện.

Có rất nhiều cơn mơ đến với tôi, nào là cảnh tượng được xuất viện, mẹ đến đón tôi nhưng vì viện phí quá cao, tôi bị cô y tá béo ú bắt ở lại dọn ga giường hàng ngày, khi nào bù lại hết số tiền chưa trả mới thôi, rồi thì những cánh cửa sổ cứ thay phiên nhau đập liên tục, nhưng lần này là khiến cô y tá giật mình đâm phập mũi tiêm vào mặt tôi, khiến tôi hét lên đau đớn rồi ngất ngay tại chỗ ...

Trong cơn mơ, nỗi đau đớn về thể xác cũng thật lắm, khiến tôi không ngừng co rúm người lại, miệng rên rỉ kêu đau. Thế rồi, hình như ...

Cơn bóng đè lại đến ...

Tôi lại thấy mình bị ai đó giữ chân giữ tay, đôi bàn tay rắn chắc, chắn lắm, sức lực tôi cố cựa quậy mà không tài nào làm gì được.

Tôi tự nhủ, lại là bóng đè, lại là chiêm bao, là cơn ác mộng thôi mà, việc mình cần làm chỉ là mở mắt ra, mở mắt thôi là hết.

Nhưng không, tôi vẫn không tài nào hé nổi mí mắt. Tôi dùng hết sức cựa mình, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng không thể lay chuyển.

Và rồi, tôi nhận ra,

Đây không phải là một giấc mơ.

Thực sự có thêm một bàn tay nữa đang từ từ siết chặt cổ mình ...

***

Tôi cật lực giãy giụa, nhưng càng giãy càng thấy chân tay mình càng bị siết chặt mạnh hơn, và bàn tay đang bóp cổ tôi vẫn không hề có ý định buông ra. Trong màn đêm yên tĩnh đến chết chóc, chỉ có âm thanh chống cự yếu ớt từ tôi, từ đâu bỗng xuất hiện một giọng nói lạnh như băng:

- Nói, cái tờ giấy chiều nay ghi cái gì?

- Ưm.... m....

Bàn tay siết cổ có vẻ thả ra một chút. Tôi cố nhổm dậy, hé mở mắt, thì bàn tay đó lại ghi chặt lấy cổ tôi, kéo mạnh xuống giường.

- Mày có nói không?

Giọng nói băng giá lại cất lời. Quả thực lúc chiều nay, tôi đã nhìn thấy và có nhớ vài ba số đầu, nhưng đâu đủ kiên nhẫn nhớ hết từng đấy số. Và giờ này, khi nỗi đau đớn bao vây toàn bộ thể xác và cái chết dường như đã cận kề, càng khiến tôi mụ mị, đầu óc trống rỗng, không thể thốt lên một lời nào.

Dù nhắm mắt, nhưng bởi vì màn đêm đặc quánh, tôi vẫn kịp nhận ra có một cái gì sáng lóa vừa vung lên, và một giọng nói quen thuộc vang lên, nhưng khác với mọi lần, giọng nói đã không còn ấm áp quan tâm, mà lại đầy vô cảm:

- Nó không nói đâu. Giết đi!

Giọng nói của bác gái.

***

Ngay khi tôi vừa định thần ra đó là giọng nói của người ngày nào cũng ân cần hỏi thăm tôi, thì bỗng từ đâu, một tiếng đập rất mạnh, rồi một tiếng nữa liên tục, đã giáng thẳng xuống giường. Phen này, sẽ không còn tiếng cửa sổ nào cứu tôi cả. Tôi nhắm mắt sẵn sàng chào đón cái chết.

Tôi vẫn chưa kịp tốt nghiệp Đại học.

Tôi vẫn chưa làm gì để bố mẹ vui lòng.

Tôi thậm chí còn chưa ... uống hết chai sữa ban sáng đi mua.

Ấy vậy mà, vài giây sau, tôi vẫn chưa thấy đau. Không phải tiếng đập kia là giáng xuống tôi hay sao?

Không.

Không phải.

Tôi bắt đầu cựa quậy được tay chân. Hai người vừa siết chặt tay chân và cổ tôi đâu rồi? Họ tưởng đã giết được tôi rồi bỏ đi rồi sao?

Bất thình lình, có một thứ ánh sáng chói lòa bao phủ khắp không gian, khiến mí mắt bỏng rát, he hé cử động.

Định thần lại mọi thứ, tôi thấy bác gái và cậu con trai mặt mày sưng húp đang gục xuống dưới chân giường. Điều gì vừa xảy ra?

Tôi nhìn quanh quẩn, tôi giật nảy mình khi thấy chị mang bầu đang chăm chú nhìn tôi không chớp mắt, trên tay đang gọi điện thoại di động. Chị nói gọn lỏn với người nghe máy:

- Vụ này xong rồi. Anh đến thu dọn chiến trường đi.

Chỉ một lúc sau, đã có rất nhiều người mặc áo công an bao vây khắp phòng bệnh của tôi. Những bệnh nhân khác phải một lúc sau nghe thấy âm thành ồn ào mới tỉnh dậy, họ mặt mày tái mét, hỏi han nhau chuyện gì đã xảy ra.

Tôi bật cười, một nụ cười của cả mấy ngày nay mới nặn ra được. Đến ngay cả tôi suýt chết, sống đau đớn trong cả khoảng thời gian qua, là người trong cuộc – nhân vật chính, mà tôi còn chưa hiểu cái quái gì đang ở trước mặt mình.

Chị mang bầu từ nãy đến giờ trao đổi với một số anh công an, bảo họ đưa hai người đang ngất phía dưới giường về hỏi cung, sau đó tiến đến giường rồi, nhoẻn miệng cười. Một cách bất ngờ đầy sững sờ nhất, chị tháo hết lớp băng trên mặt, và tháo cả miếng sưng to rất to nhét kỹ càng dưới vòm miệng, để hiện ra một khuôn mặt vô cùng xinh đẹp.

Là cô y tá lần đầu tiên đến đây tôi đã nhìn thấy!

Thấy tôi há miệng đầy ngạc nhiên, chị nhẹ nhàng giải thích:

- Chị là công an quận, được bệnh viện gài cắm để tìm ra hung thủ cho vụ án cướp của giết người trong bệnh viện này.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cứ như tất cả vẫn chỉ là một cơn ác mộng vậy, tôi nhắm mắt, lại mở mắt ra, xem có thực sự là mình đang tỉnh, mình còn sống hay không. Chị tiếp tục nói:

- Em mỏi mắt lắm à? Cũng phải, hít phải thuốc mê xong, có ai trụ được đâu. Cả hai đêm em bị bóp cổ, cả phòng đều bị xịt thuốc mê. Đêm đầu tiên, ngay cả chị cũng không lường trước mánh khóe này, cũng ngủ say như chết, cho đến khi bất thình lình tiếng cửa sổ đập mạnh, chị mới tỉnh dậy, vẫn không tài nào mở được mắt ra, nhưng nghe thấy tiếng em hổn hển, chị biết chắc đã có vấn đề. Hôm sau nghe em kể lại chuyện với bà kia, chị mới nghi ngờ có kẻ đã cố tình hãm hại em. Và chị đã chắc chắn, đối tượng mà hai tên sát thủ đã nhắm đến chỉ có thể là em.

Chị công an kể lại, trước đó chị đóng vai cô y tá canh chừng phòng bệnh vào ban đêm để trông chừng hành động của hai đối tượng tình nghi, còn ban ngày, vì ở đây đông người nên chúng sẽ không dám làm gì. Nhưng ban đêm, vì nhìn thấy có cô y tá bất thường thức cả đêm trông phòng bệnh, tên sát thủ chắc đoán ra không phải người bình thường nên cũng không dám manh động.

Nhận thấy cách làm này không hiệu quả, đúng hôm tôi nhập viện, chị vào vai bà bầu để hợp thức hóa sự có mặt của mình ở đây. Quả nhiên, ngay trong đêm đầu đã có sự lạ, nào là bóng đè, nào là chiếc áo blouse trắng, khiến chị đưa ra giả thiết và sau đó đã chắc chắn được kết luận của mình:

- Chắc hẳn em sẽ thắc mắc tại sao bà mẹ kia lại có thể xuất hiện ở bệnh viện vao ban đêm, trong khi đáng lý ra bà ta đã phải về từ buổi chiều. Ngay trong đêm em vừa nhập viện, bà ta đã nghĩ ra trò mặc áo blouse trắng, đóng giả làm bệnh nhân, chắc định kết hợp với con trai bà ta làm chị bất tỉnh rồi tiến hành lục soát giường em – theo kế hoạch là sẽ trống trơn. Nhưng không may thay, đêm hôm đó đã không còn cô y tá nào nữa, mà lại có em nhập viện, khiến cho đối tượng lúc đó không còn là chị mà thay vào đó là em. Thay vì hại chị, họ tìm cách giết em để lục soát cái giường. Nếu đêm đó em ... xong – chị kéo tay ngang cổ ra hiệu cử chỉ "bị kết liễu" – chắc có lẽ bọn họ đã tìm thấy tờ giấy và vội vàng cao chạy xa bay.

- Em đã nhìn thấy một cái bóng trắng vào buổi tối hôm đó, và cả đêm hôm thứ hai nữa chị ạ. Có phải là ...?

- Đúng, chính là bà ta. Đêm đầu tiên, chắc lúc đó bà ta đang trà trộn vào đám bác sỹ y tá trực đêm nên lẻn vào được bệnh viện. Còn trong đêm thứ hai, vì đêm đó trong phòng không bị xịt thuốc mê, nên chị đoán có lẽ bà ta mặc áo y tá để đi tìm thuốc mê trong bệnh viện, ai ngờ nhìn thấy em chạy ra ngoài, nên ra hiệu cho anh con trai nằm trong phòng lục soát. Nhưng lúc đó, thêm một lần nữa rủi ro, lúc ấy chị mở mắt rất to âm thầm theo dõi anh ta sẽ làm gì, định bụng bắt quả tang ngay tại chỗ, thì anh ta cẩn thận ra xem em đã về chưa rồi mới chạy đến giường em, thì em lúc đó đã chạy về rồi, khiến anh ta đành phải giả vờ nói là đi vệ sinh đó.

- Em không hiểu, tại sao lúc đó anh ta không giết em ngay đi, có phải là đã lục soát xong từ đêm đó không?

- Haha, em còn ngốc lắm. Đêm đó hai mẹ con không xịt thuốc mê cả phòng, nhỡ lúc đó đâm em, em hét lên, có phải là bệnh nhân ngay lập tức tỉnh dậy hết không, anh ta làm sao mà có thời gian lục soát ngay được.

Thế rồi chị kể tiếp, trong suốt ba ngày qua, bà mẹ cứ giả vờ về vào buổi chiều, khi bác sỹ bắt người nhà về để bệnh nhân được tĩnh dưỡng, rồi tối tối lại trà trộn vào đám bác sỹ y tá trực đêm, đến khi mọi người trong phòng bệnh tắt đèn rồi, bà ta mới lén vào phòng, cùng cậu con trai giúp sức giết tôi, người giữ chân tay, người siết cổ. Chiếc áo blouse trắng tôi nhìn thấy dưới giường chính là áo mà bà ta dùng để lẻn vào bệnh viện.

Trong đêm đầu tiên, bọn họ tưởng chừng như đã giết được tôi, nhưng ngờ đầu tiếng đập rất mạnh của cửa sổ khiến tôi thoát chết. Lợi dụng màn đêm và thuốc mê, ngay lúc tôi mở được mắt, họ nhanh chóng chui tọt xuống gầm, rồi bò về giường của mình, bà mẹ cũng sử dụng chiếc giường trống chưa ai dùng trong căn phòng, rồi lúc tờ mờ sáng, bà ta lại vội vàng khoác áo blouse, công khai đi trong bệnh viên, lẻn ra ngoài rồi lại vào với tư cách là người nhà bệnh nhân.

***

Ngay sau khi được chị y tá kiêm công an đóng vai bà bầu kể lại, tôi sững người, vén được toàn bộ bức màn bí ẩn trong những ngày khó hiểu vừa qua. Nhưng đằng sau tất cả, họ muốn lục soát giường tôi, tìm tờ giấy kia để làm gì? Và tờ giấy đó, chính xác nó là cái gì mà phải khiến cho tôi suýt nữa mất mạng như vậy?

- Đó là tờ giấy ghi lại mã số của két ngân hàng – trong đó có số tiền mà bệnh viện đã mất cách đây vài tháng. Và thủ phạm, chính là cậu con trai và cô y tá đã chết kia. Cô y tá đó trước kiêm nhiệm vụ phụ trách ngân quỹ ở đây, vì nảy sinh lòng tham nên đã rủ người yêu mình vào đây lấy cắp tiền của bệnh viện. Để hợp thức hóa, cậu ta đã từng một lần giả vờ tai nạn giao thông để nằm chữa trị trong này, và vào một đêm, cả hai đã lên kế hoạch và thực hiện thành công phi vụ ăn cắp tráo trở này.

Tuy nhiên, vì là bệnh nhân chưa điều trị xong, không thể rời khỏi bệnh viện, cậu ta phải đưa hết số tiền cho cô người yêu giữ. Ai ngờ đâu cô ta lật lọng, định một mình cao chạy xa bay với số tiền ấy.

Trong ngày hoàn tất thủ tục nghỉ việc, cô ta đến đây và đụng phải người yêu, hai người đã xô xát với nhau, và hắn đã giết chết cô y tá ngay trong bệnh viện, và dàn dựng như một vụ tự tử. Vì bệnh viện này vừa bị mất tiền, giờ lại có người chết, chắc chắn sẽ phải đóng cửa, nên dù biết chắc đây không phải một vụ tự sát, vẫn phải nói với báo chí như vậy.

- Em không hiểu, tại sao cô y tá kia lại nhét tờ giấy ghi mã số két vào dưới giường em hả chị?

- Cái này thì chị không chắc chắn. Có thể vì căn phòng mà cô ta đang sống là ở chung với anh người yêu, cô ta sợ mình mang theo đều có thể bị phát hiện, hay để ở trong nhà sẽ bị bà mẹ anh ta đến nhà lục soát, nên đã giấu trong bệnh viện. Nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất mà.

Có một chi tiết rất quan trọng: Bệnh nhân cuối cùng mà cô ta chăm sóc lúc đó đang nằm giường em, vì thế mà anh ta đặt hết mối nghi ngờ vào chiếc giường này, và tìm mọi cách lục soát nó bằng được. Bệnh viện cũng biết điều ấy, nên ngay khi nhờ công an nhảy vào vụ này, dù huy động mỗi một người cải trang làm y tá trông tất cả các phòng bệnh, vẫn dồn nhiều nghi vấn vào căn phòng này nhất.

- Có phải vì thế mà chị đã sớm nhận ra anh ta là đối tượng tình nghi phải không?

- Chính xác. Ngay sau khi nghe một số cô y tá phản ánh với nhau rằng, có một bệnh nhân trong một thời gian ngắn phải vào điều trị tận hai lần vì tai nạn và nhất quyết muốn nằm phòng này, chị đã sinh nghi. Lật lại hồ sơ của anh ta, tìm hiểu mới biết được anh ta có quan hệ với cô y tá, suy luận của chị càng chắc chắn hơn.

- Cô y tá bị tình nghi là kẻ ăn trộm ngân quỹ từ khi nào vậy chị?

- Từ khi cô ta nộp đơn thôi việc em ạ. Theo tâm lý thông thường, các y tá bác sỹ một khi đã làm việc lâu năm trong bệnh viện đều rất ngại thay đổi chỗ làm, vì thế rất sợ bị cho thôi việc để cắt giảm biên chế. Ấy vậy mà khi nộp đơn, cô ta lấy lý do là tự nguyện nghỉ việc để khiến bệnh viện không phải sa thải ai, khiến cho tất cả mọi người đều nghi ngờ. Lá thư được đánh máy rất kỹ càng, lời lẽ cũng chỉn chu, cứ như việc này đã được chuẩn bị từ lâu rồi. Bệnh viện sinh nghi từ lúc đó.

Mà này, em không mệt sao, còn đau cổ nữa không? Chị xin lỗi vì lúc nãy đã hơi chậm chân, suýt nữa thì nhát dao đâm vào người em rồi. Chị lúc đó quờ tay tìm vũ khí trong cái bụng bầu, ai dè chiều hôm qua ăn no quá, mãi mà không tháo ra được, đành dùng tay không hạ chúng, haha. Xin lỗi em nhé.

Tôi nghe chị công an – y tá xinh đẹp cười lên mà thấy mặt mình méo xệch. Suýt chút nữa thì tôi tiêu đời rồi, chỉ vì lý do chị ... ăn quá no. Nhưng còn may, tôi còn lành lặn, vẫn còn được ngồi đây nghe chị kể chuyện, chứ không phải là xuống dưới âm phủ gặp cô y tá bị sát hại loa để biết đầu đuôi câu chuyện.

***

Mặt trời đã ửng hồng. Khắp bệnh viện trong buổi sáng này, dường như đã thoát khỏi u uất và muộn phiền của những chuyện đáng sợ trước kia để vươn mình thoải mái, trở về với bầu không khí nhẹ nhàng vui tươi. Đêm qua, khi trò chuyện với chị công an xong, chị giục tôi hãy ngủ một chút, chị sẽ yêu cầu bệnh viện trả tôi về nhà sớm, những ngày vừa qua trong bệnh viện đã khiến tôi khiếp sợ nhiều lắm. Nghe chị nói vậy, tôi mới yên tâm chợp mắt.

Ngoài cửa sổ, tất cả như được gột rửa, đầy trong lành và dễ chịu. Tôi quờ tìm điện thoại, thấy mẹ nhắn tin từ 6h sáng: "Duy thích ăn gì để mẹ làm nào?". Tôi tủm tỉm cười, trả lời: "Cái gì cũng được mẹ ạ, miễn sao không phải là ...". Chưa kịp soạn xong tin nhắn, đã có tiếng mở cửa và giọng mẹ tôi phấn khởi nói dõng dạc:

- Duy dậy chưa nào, chuẩn bị về nhà thôi. Tiêm một mũi sáng nay là được về nhé. Ăn cháo đi con, mẹ cả sáng làm cho con đó!

- Khôngggggggggggggggg – Tiếng tôi hét toáng lên đầy khiếp sợ, cơn ác mộng mang tên "cháo" này thậm chí còn ám ảnh hơn cả bóng đè và những đêm kinh dị vừa qua ...

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn